Các ví dụ Hiệu ứng chân lý ảo tưởng

Dù khoa học mới chỉ chứng minh hiệu ứng chân lý ảo tưởng trong những năm gần đây, ảnh hưởng của nó đã xuất hiện từ nhiều thiên niên kỷ trước.

Thành ngữ tam nhân thành hổ (三人成虎, có nghĩa là "ba người nói có hổ, thiên hạ sẽ tin là có hổ") bắt nguồn từ một câu chuyện trong Chiến Quốc sách - Ngụy sách quyển nhị (战国策 - 魏策二): Nguỵ vương uỷ thác cho đại thần Bàng Thông (龐蔥) trọng trách theo Thái tử sang nước Triệu làm con tin. Trước khi đi, ông tâu với Nguỵ vương: "Nếu có kẻ nói ngoài phố có hổ, Đại vương có tin không?" Nguỵ vương nói không tin. Ông lại hỏi: "Vậy nếu có hai kẻ nói, Đại vương có tin không?" Nguỵ vương do dự: "Trẫm sẽ bán tin bán nghi." Ông hỏi thêm một lần nữa: "Vậy nếu có ba kẻ nói, Đại vương có tin không?" Nguỵ vương đáp: "Ta chắc chắn sẽ tin." Bàng Thông liền nói: "Kỳ thực ngoài phố không có hổ, nhưng chỉ mới ba kẻ nói dối mà Đại vương đã tin. Thần cúi xin Đại vương, khi thần đi rồi, hãy thẩm tra những lời xàm tấu thật kỹ càng, để biết rõ sự thật."[12]

Một nghiên cứu nhận định rằng chính khách người La Mã Cato luôn kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời kêu gọi tiêu diệt Carthage ("Ceterum censeo Carthaginem esse Deletendam") vì biết rằng việc lặp lại sẽ khiến người nghe thêm đồng thuận. Nghiên cứu trên cũng cho biết Napoléon đã "nói rằng chỉ có một phép tu từ có tầm quan trọng lớn, cụ thể là phép điệp ngữ"; theo đó, một lời khẳng định lặp đi lặp lại sẽ tự khẳng định chính nó trong tâm trí và "cuối cùng nó sẽ được chấp nhận như sự thật đã chứng minh". Những người khác cũng đã sử dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng gồm có Quintilian, Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush,[13] Barack Obama, Donald Trump[14][15] và nhân vật Marcus Antonius trong vở Julius Caesar (Shakespeare).[10]

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong các chiến dịch tranh cử, công chúng có thể tin các thông tin sai lệch về một ứng cử viên nếu các quảng cáo truyền hình lặp lại nó. Tương tự, một lượng người xem nhất định có thể nghĩ rằng những tuyên bố vô căn cứ lặp lại về sản phẩm trong quảng cáo đến từ một nguồn khách quan, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.[6] Hiệu ứng này cũng được sử dụng trong ngành truyền thông tin tức và là mấu chốt của tuyên truyền chính trị.[1][5]